Xông đất là tục lệ đã có từ rất lâu đời và vẫn được người dân Việt Nam duy trì cho tới ngày nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về phong tục xông đất, đặc biệt là giới trẻ ngày nay. Vậy hiểu thế nào là xông đất? Cách xông đất và những điều kiêng kỵ trong việc xông đất là gì? Hãy cùng Tangquatet.vn giải đáp ngay trong bài viết dưới đây.
1. Tục lệ Xông đất đầu năm
Xông đất là gì?
Xông đất (còn được gọi là đạp đất hoặc xông nhà) là một phong tục cổ truyền từ lâu đời của Việt Nam. Vậy người xông đất là gì? Người đầu tiên tới chúc Tết gia đình bạn sẽ là người xông đất. Tục xông đất và việc lựa chọn người xông đất rất quan trọng đối với người Việt.
Theo quan niệm dân gian, nếu người đạp đất hợp tuổi với gia chủ thì trong năm đó, gia chủ và cả gia đình sẽ gặp được nhiều điều may mắn, tốt lành. Ngược lại, nếu người đến chơi nhà là người có những vận đen như công việc trục trặc, sức khỏe không tốt hoặc là phụ nữ, trẻ em… thì không được may mắn.
Nguồn gốc của tục lệ xông đất đầu năm
Phong tục đi xông đất đầu năm xuất phát từ mong muốn một năm mới nhiều may mắn và hạnh phúc, tránh xui xẻo. Theo đó, người được mời xông đất cần phải được tuổi và hợp với gia chủ để bước vào nhà mình đầu tiên trong năm mới, vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết.
Đặc biệt, người được gia chủ chọn phải tránh tuổi “tứ hành xung” và là những người vui vẻ, rộng rãi với mong muốn gia chủ cũng sẽ luôn may mắn, sung túc trong năm mới.
Xông đất có ý nghĩa gì?
Trong quan niệm của người Việt, những người được lựa chọn đạp đất đầu năm “hợp mệnh” sẽ đem đến những điều an lành cho gia chủ. Người đi xông đất có niềm vui vì đã làm được việc phước. Người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo sẽ tốt lành trong suốt năm tới.
Theo thời gian, tục đạp đất bây giờ đã không còn đặt nặng về sự may mắn, hậu vận, cũng không còn nhiều quy tắc như trước. Người ta coi xông nhà là một niềm vui nho nhỏ mỗi khi Tết đến, xuân về. Nhưng mục đích vẫn không thay đổi, đó là chúng ta vẫn đi xông đất nhà bà con bạn bè với niềm vui và cầu một năm bình an may mắn.
Cách thức xông đất
Nên xông đất vào lúc nào?
Dân gian quan niệm thời điểm xông nhà phù hợp nhất là từ thời khắc giao thừa đến sáng mùng 1 Tết. Người đến xông nhà sẽ chỉ chúc Tết khoảng 10 đến 15 phút, mang năng lượng mới tích cực cho gia chủ để chúc gia đình gặp nhiều điều may trong cuộc sống.
Sau đó, gia chủ gửi lời chúc và lì xì cho người xông đất, đồng thời mời họ ăn bánh kẹo, uống trà. Thời gian xông đất thường diễn ra nhanh chóng nên các gia đình cũng không nên bày cỗ mặn và tránh uống rượu bia quá chén nhé.
Chủ nhà có tự xông đất được không?
Trong trường hợp gia chủ không chọn được người xông đất hợp tuổi hay phù hợp với những tiêu chí đề ra thì họ hoàn toàn có thể tự xông nhà cho mình. Để tự xông nhà thì trước thời điểm giao thừa, gia chủ có thể đi ra ngoài, tốt nhất là nên đi lễ chùa hoặc đình, đền, miếu…, Sau đó, khi đồng hồ vừa điểm 0 giờ, họ có thể bước vào nhà của mình. Như vậy là đã hoàn thành quá trình tự xông đất rồi.
Ngoài ra, chắc hẳn có nhiều người thắc mắc trẻ em xông đất có tốt không? Khi chọn tuổi xông đất đầu năm thì chúng ta nên chọn người hợp tuổi với tuổi của gia chủ. Vì vậy, bất kể trẻ em hay người lớn thì miễn rằng họ là những người hợp với tuổi gia chủ đều có thể xông nhà được. Hơn nữa, trẻ em xông nhà sẽ mang đến niềm vui, rước lộc và giúp vận khí của gia chủ may mắn hơn.
Người đi xông đất cần làm gì?
Người đi xông đất cần mang theo gì?
Thông thường, người tới xông đất sẽ mang theo những phong bao lì xì đỏ mừng tuổi cho gia chủ và những thành viên trong gia đình. Giá trị của phong bao lì xì không cần quá lớn và thường sẽ chọn những đồng tiền có màu đỏ để thể hiện sự may mắn.
Ngoài ra, nếu như được gia chủ nhờ hay dặn trước thì người xông đất cũng có thể chuẩn bị thêm những món quà, ví dụ như bức tranh, bức thư pháp hay những vật phù hợp với tuổi của gia chủ để tặng cho họ.
Những điều người đi xông đất cần làm
Khi tới xông đất, bên cạnh việc tặng quà hay mừng tuổi cho gia chủ thì người xông đất cũng nên dành tặng chủ nhà những lời chúc Tết hay và ý nghĩa. Bên cạnh đó, thời gian xông đất không nên kéo dài quá lâu, chỉ nên ở lại nhà gia chủ khoảng 10 đến 15 phút vì đây là biểu hiện cho sự thuận lợi, trôi chảy của mọi việc trong năm mới.
Theo quan niệm dân gian thì có nhiều người tới xông đất, đặc biệt là có thêm trẻ em là điều rất may mắn, hoan hỉ. Chính vì thế, người đi xông đất có thể đi 1 mình hoặc đi cùng với vợ hoặc con. Tuy nhiên, người được chọn xông đất phải bước vào nhà trước tiên.
2. Cách chọn tuổi xông đất hợp gia chủ
Tiêu chí lựa chọn người xông đất
Các cụ ta xưa quan niệm, chọn người xông đất nên chú ý một số tiêu chí sau:
- Người xông đất là người có tuổi, mệnh hợp với gia chủ. Đây là tiêu chí quan trọng nhất.
- Người xông đất là nam, người trụ cột trong gia đình khỏe mạnh, tính tình hòa nhã, thoải mái. Tuy nhiên ngày nay thì người ta không nhất thiết phải chọn người nam mà có thể chọn người xông đất là nữ.
- Người xông đất là người có sự nghiệp, công danh, đạt được thành công nhất định hoặc càng thành công càng tốt.
- Người xông đất là người năm qua may mắn, cát tường, không gặp vận hạn đen như đau ốm, tang gia…
- Người xông đất có con cái đủ đầy có trai có gái, gia đình hạnh phúc.
Chọn tuổi người xông đất 2022 hợp với tuổi của gia chủ
Nhiều người quan niệm người xông đất xông nhà cần hợp mệnh và hợp tuổi. Tuổi người xông đất phải thuộc tam hợp hoặc nhị hợp với gia chủ. Và người xông đất 2022 có mệnh hợp với năm Nhâm Dần.
Bạn có thể tham khảo cách chọn tuổi sau:
- Gia chủ tuổi Tý có thể chọn người xông đất tuổi: Thân, Thìn (tam hợp), Sửu (nhị hợp).
- Gia chủ tuổi Sửu có thể chọn người xông đất tuổi: Tỵ, Dậu, Tý.
- Gia chủ tuổi Dần có thể chọn người xông đất tuổi: Ngọ, Tuất, Hợi.
- Gia chủ tuổi Mão có thể chọn người xông đất tuổi: Mùi, Tuất, Hợi.
- Gia chủ tuổi Thìn có thể chọn người xông đất tuổi: Tý, Thân, Dậu.
- Gia chủ tuổi Tỵ có thể chọn người xông đất tuổi: Sửu, Thân, Dậu.
- Gia chủ tuổi Ngọ có thể chọn người xông đất tuổi: Dần, Tuất, Mùi.
- Gia chủ tuổi Mùi có thể chọn người xông đất tuổi: Mão, Hợi, Ngọ.
- Gia chủ tuổi Thân có thể chọn người xông đất: Tý, Thìn, Tỵ.
- Gia chủ tuổi Dậu có thể chọn tuổi xông đất: Sửu, Tỵ, Thìn.
- Gia chủ tuổi Tuất có thể chọn người xông đất tuổi: Ngọ, Mão, Dần.
- Gia chủ tuổi Hợi có thể chọn người xông đất tuổi: Mão, Mùi, Dần.
3. Những điều kiêng kỵ khi đi xông đất đầu năm
Xông đất là tục lệ cầu mong may mắn của người đến nhà đầu tiên vào năm mới sẽ mang đến phúc khí cho gia đạo. Vì vậy, bạn cần lưu ý một số kiêng kỵ sau:
- Nữ nhân, trẻ em không nên đến nhà người khác xông đất sớm nếu không được chủ nhân mở lời mời.
- Nếu đi chúc tết cả gia đình thì người nam nên bước vào nhà trước, người nữ và trẻ em vào sau.
- Nếu nhà bạn vừa có tang hoặc năm qua ốm đau, hoạn nạn, sức khỏe không tốt thì không nên đến nhà người khác xông đất. Có thể chọn thời điểm thích hợp hơn để đến chơi như từ chiều ngày mùng 1 trở đi, không nên đến nhà người khác vào lúc giao thừa hoặc sáng sớm.
- Người xung khắc với gia chủ thì không nên đến xông đất, tránh cho gia chủ những điều không may mà cũng là tránh cho mình những đen đủi.
- Phụ nữ mang thai hoặc đang đến tháng, góa chồng không được xông đất.
- Người xông đất không nên mặc đồ đen đến xông nhà. Bạn nên mặc những bộ đồ đỏ, hồng, vàng hoặc các màu sắc tươi sáng để mang đến may mắn cho bản thân và gia chủ.
- Khi đến xông đất, chỉ nên nói tới những câu chuyện vui vẻ, tránh kể lể chuyện cũ, chuyện buồn.
Trên đây là toàn bộ nội dung về tục lệ xông đất đầu năm và những điều kiêng kỵ khi đi xông đất cũng như cách chọn tuổi xông đất năm 2022 hợp với gia chủ. Theo thời gian, phong tục xông đất không còn những yêu cầu khắt khe nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi là mang đến may mắn cho gia chủ. Tangquatet.vn hy vọng rằng qua bài viết bạn hiểu hơn về phong tục xông đất và chọn được người xông đất phù hợp cho gia đình vào năm mới.