Cây nêu là cây gì? Ý nghĩa sâu sắc cây nêu trong ngày Tết ít ai biết

Theo dõi Tangquatet.vn trên Google News

Dựng cây nêu ngày Tết là một phong tục lâu đời của người Việt Nam. Tục lệ trồng cây nêu của người Việt mang những ý nghĩa sâu xa không kém phần đặc sắc và lý thú mà nhiều người chưa biết. Hãy cùng Tangquatet.vn tìm hiểu cây nêu là gì, sự tích, ý nghĩa và cách dựng cây nêu ngày Tết thông qua bài viết sau đây nhé!

1. Cây nêu là gì?

Cây nêu thường được làm từ cây tre (hoặc trúc, bương, lồ ô tùy vào vùng miền) dài khoảng 5 đến 6 mét, chặt hết lá chỉ để lại vài nhánh lá trên ngọn. Sở dĩ phải lựa chọn cây tre là bởi cây tre có nhiều đốt, tượng trưng cho các bậc thang để Thần linh đi về, đồng thời mang sinh khí của đất trời giúp cho mùa màng tươi tốt.

Cây nêu thường được dựng ở trước sân nhà vào dịp Tết Nguyên Đán
Cây nêu thường được dựng ở trước sân nhà vào dịp Tết Nguyên Đán

Cây nêu thường được trồng trước sân mỗi gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán. Phần thân cây có thể được trang trí bằng đèn lồng, câu đối, chuông gió… Bên trên ngọn cây nêu được trang trí và treo 1 vòng tròn nhỏ cùng nhiều vật dụng khác nhau tùy theo từng địa phương, dân tộc.

2. Sự tích cây nêu ngày Tết

Ngày xưa, khi người và quỷ còn sống chung với nhau trên mặt đất, quỷ cậy mạnh chiếm hết ruộng đất, người phải thuê ruộng đất của quỷ để cày cấy. Cứ mỗi năm quỷ lại nâng cao tô ruộng. Rồi một hôm quỷ ra điều khoản “ăn ngọn cho gốc”. Mùa lúa năm đó, quỷ thu hết thóc góc, để cho người nông dân mỗi gốc rạ. Nhân dân đói khổ vô cùng. Thấy cảnh người dân lầm than, Phật mách cho dân chuyển sang trồng khoai lang.

Ngày xưa quỷ cậy mạnh ức hiếp dân lành
Ngày xưa quỷ cậy mạnh ức hiếp dân lành

Vụ mùa tiếp theo, người dân chuyển sang trồng khoai lang. Đến cuối vụ, người dân thu hoạch hết củ, để lại cho quỷ toàn lá. Quỷ bực tức, thay đổi điều khoản thành “ăn gốc cho ngọn”. Phật lại mách người dân quay lại trồng lúa. Cuối vụ lúa thóc nườm nượp đổ về nhà dân, Quỷ chỉ còn chơ gốc rạ.

Bực tức vì 2 mùa liền không thu được gì, quỷ lại đổi điều khoản thành “ăn cả gốc lẫn ngọn”, nghĩ rằng lần này người dân sẽ chẳng có cách gì chống lại, nông sản sẽ về hết tay chúng. Phật thấy vậy liền ban cho người dân cây ngô. Đến mùa thu hoạch, người dân ngô chất đầy bồ, còn quỷ chẳng thu được gì.

Uất ức vì không thu được nông sản, quỷ không cho người dân thuê ruộng. Phật bảo người dân đến mua lại của quỷ một khoanh đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn tre. Thấy bán được khoanh đất nhỏ với giá hời, quỷ cũng đồng ý. Khi người nông dân trồng cây tre xuống, Phật làm phép cho cây tre vụt mọc cao lên tận trời, chiếc áo cà sao mở rộng, bóng áo cà sa che khắp mặt đất.

Quỷ mất hết đất đai, phải lùi ra tận biển Đông. Uất hận, chúng tụ tập quân đội đánh chiếm lại ruộng đất. Biết được quỷ sợ vôi bột, lá dứa, máu chó, Phật bảo lại cho người dân sử dụng những thứ đó 3 lần đánh bại lũ quỷ. Quỷ bị đuổi ra tận biển Đông khóc than với Phật mỗi năm cho chúng vài ngày được về đất liền thăm phần mộ tổ tiên. Phật đồng ý mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán cho quỷ về thăm phần mộ tổ tiên.

Từ đó, hàng năm, cứ dịp Tết Nguyên Đán là bọn quỷ vào thăm đất liền, người ta theo tục cũ liền dựng cây nêu trước nhà. Trên cây có treo chuông gió, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn quỷ nhớ lời hẹn ước xưa mà tránh ra.

3. Ý nghĩa cây nêu ngày Tết

Theo sự tích, cây nêu là biểu tượng của sự đấu tranh giữa thiện và ác nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người. Những dịp Tết đến, xuân về là lúc thần linh về trời, do đó con người cần những “bảo bối” như cây nêu nhằm đề phòng cảnh giác, chống lại sự xâm nhập của ác quỷ lúc con người vui chơi.

Cây nêu ngoài ý nghĩa xua đuổi quỷ dữ thì còn hàm chứa ý thức về lãnh thổ dân tộc
Cây nêu ngoài ý nghĩa xua đuổi quỷ dữ thì còn hàm chứa ý thức về lãnh thổ dân tộc

Theo thời gian, cùng với sự phong phú của các đồ lễ treo trên ngọn cây, cây nêu được coi là cây vũ trụ nối liền đất với trời. Cây nêu được xem là vật chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp và hàm chứa ý thức về lãnh thổ của người Việt.

Ngày xưa, cây nêu là biểu tượng cho sự uy quyền, nhà nào có quyền thế nhất là nhà đó có cây nêu cao nhất. Hiện nay, phong tục trồng cây nêu ngày tết đã dần mất đi trong cộng đồng người Việt và được thay thế với tục chơi cành hoa đào, hoa mai ngày tết, bày trong nhà. Cây nêu chỉ còn bắt gặp lác đác tại một số vùng thượng du Bắc Bộ hay Tây Nguyên. Nhưng ở mỗi vùng miền ý nghĩa của cây nêu ngày Tết lại khác nhau:

  • Theo quan niệm truyền thống, cây nêu của người miền Bắc có ý nghĩa là bảo vệ gia đình khỏi ma quỷ đến quấy nhiễu khi ông Táo về trời.
  • Người Mường trồng cây nêu vào ngày 28 tháng Chạp âm lịch, trong khi đó người H-mông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu tào để cầu phúc hoặc cầu mệnh.
  • Đối với cộng đồng người dân tộc Sán Dìu dựng trong lễ cầu mùa để tạ ơn trời đất và cầu mong sự bình yên cho người, gia súc và mùa màng bội thu.

4. Cách làm cây nêu Tết

Cây nêu được dừng vào ngày nào?

Theo như phong tục dân gian của người Việt, cây Nêu ngày Tết thường bắt đầu được dựng vào sau 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Thời điểm dựng cây nêu là lúc các Táo đi về trời để báo cáo Ngọc Hoàng, nên không có ai cai quản nhân giới, tạo điều kiện cho lũ quỷ có thể quậy phá con người. Vì thế mà cây Nêu sẽ được trồng để giúp xua đuổi tà ma, quỷ dữ ra khỏi nhân giới.

Chọn vật liệu để làm cây nêu

Để có một cây nêu đẹp thì loại cây được dùng thường là cây tre già hoặc trúc, bương, lồ ô,… Cây có độ cao khoảng 5 đến 6 mét, to, thẳng, lóng đều và trên ngọn phải còn vài nhánh lá tươi. Ngày nay, thay vì dựng nêu bằng cây tre, ở một số tỉnh thành người dân đã chuyển sang dựng cây nêu sắt. Thợ hàn dùng ống thép hàn lại với nhau như những cây tre để đảm bảo không bị ngã, đổ và trang trí được đẹp hơn.

Những mẫu cây nêu sắt đẹp được dựng ở tỉnh Nghệ An
Những mẫu cây nêu sắt đẹp được dựng ở tỉnh Nghệ An

Ngoài ra, bạn còn cần chuẩn bị thêm dây thừng có độ bền để làm dây giằng giữ cho cây đứng, cọc tre hoặc cọc sắt để buộc dây giằng ở chân cây nêu và các vật trang trí.

Trên cây nêu treo những gì?

Trên ngọn của cây Nêu ngày Tết thường được treo nhiều đồ vật trang trí khác nhau. Mỗi đồ vật được lựa chọn sẽ tùy thuộc vào văn hóa, tín ngưỡng của địa phương và mang đến những giá trị ý nghĩa khác nhau, ví dụ như:

  • Đèn lồng đỏ: Giúp soi sáng, chỉ đường dẫn lối cho linh hồn của ông bà, tổ tiên có thể tìm thấy nhà của con cháu để có thể về ăn Tết.
  • Lông gà trống: Gà trống thường gáy vào mỗi buổi sáng khi Mặt Trời ló dạng. Treo lông gà trống tượng trưng cho ánh sáng của Mặt Trời, giúp sưởi ấm nhân gian và xua tan tà mà, quỷ dữ.
  • Chuông gió: Chuông gió sẽ phát ra những tiếng kêu vui tai mỗi khi đung đưa và có gió thổi qua khiến cho lũ quỷ thấy sợ hãi. Đồng thời tiếng chuông cho chúng thấy rằng đang có người sinh sống ở gần đây, khiến lũ quỷ không dám lại gần.
  • Cá chép giấy: Người ta thường hay treo 5 con cá chép giấy trên cây Nêu, mỗi con mang một màu sắc khác nhau tượng trưng cho ngũ hành.
  • Tấm phên: Là tấm được tạo thành từ 4 nan dọc đan xen 5 nan ngang để tạo thành một lá bùa, có khả năng giúp xua đuổi quỷ dữ, tà ma.

Các đồ vật trang trí sẽ được treo trên cây Nêu ngày Tết bằng một chiếc vòng tròn nhỏ, bên dưới gốc cây sẽ được rắc vôi bột. Nhờ đó cây Nêu sẽ mang đến đầy đủ giá trị ý nghĩa, giúp mang lại sự bình yên, thịnh vượng cho con người.

Cách dựng cây nêu

Sau khi chuẩn bị xong những vật liệu thì bạn thực hiện dựng cây nêu theo các bước sau:

  • Bước 1: Bạn cần loại bỏ bớt lá thừa mọc trên thân của cây tre, chỉ để lại các cành lá tươi tốt ở phía trên ngọn.
  • Bước 2: Bạn đóng một số cọc để làm nhiệm vụ chống và cố định thân cây khi dựng.
  • Bước 3: Bạn buộc thật chắc các đồ vật trang trí cần thiết lên ngọn của cây Nêu, sau đó tiến hành dựng cây.
Buộc các đồ vật trang trí vào ngọn cây nêu trước khi dựng
Buộc các đồ vật trang trí vào ngọn cây nêu trước khi dựng
  • Bước 4: Bạn cố định thân cây với các cọc chống đã chuẩn bị bằng dây thừng, dây thép. Cuối cùng mới rắc vôi bột thành hình vòng tròn xung quanh gốc cây đã dựng.

Cây nêu ngày Tết được hạ vào thời điểm nào?

Theo phong tục truyền thống của người Việt, thời điểm để hạ cây Nêu sẽ từ ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch trở đi. Bởi vì các Táo đã từ trên trời về xuống nhân gian để bắt đầu nhiệm kỳ công việc tiếp theo. Do đó lũ quỷ sẽ không dám lên trên nhân giới, cây Nêu lúc này đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ của mình.

Lễ hạ cây nêu vào ngày mồng 7 Tết
Lễ hạ cây nêu vào ngày mồng 7 Tết

Dân gian muốn hạ cây Nêu xuống thì cần phải làm lễ, tục lệ này được gọi là lễ Khai hạ. Khi này bạn cần chuẩn bị một số thứ sau đây:

  • Một cái bàn thờ nho nhỏ để thắp hương xin hạ cây.
  • Hoa quả, hương nhang

Gia đình sẽ bắt đầu làm lễ để xin các vị thần linh, tổ tiên rằng việc ăn Tết vừa qua đã diễn ra suôn sẻ, giờ gia đình sẽ tiến hành Khai hạ cây Nêu xuống, cúi xin các vị thần linh cho phép. Cuối cùng, bạn hãy hạ cây xuống, tháo bỏ các đồ vật trang trí. Nếu cây Nêu đã quá già và héo khô thì có thể chặt bỏ.

Trên đây là bài viết về cây nêu ngày Tết, nguồn gốc, ý nghĩa và cách dựng cây nêu do Tangquatet.vn tổng hợp. Hy vọng rằng bạn sẽ có thêm kiến thức về nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và hiểu hơn về những ý nghĩa của cây nêu ngày Tết nói riêng.