Lì xì là một trong những phong tục may mắn không thể thiếu mỗi dịp Tết. Tuy nhiên, việc lì xì bao nhiêu là đủ để mang lại ý nghĩa may mắn và an lành cho người nhận thì không phải ai cũng biết. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa của lì xì qua bài viết sau đây của Tangquatet.vn nhé!
1. Ý nghĩa của từ “lì xì”?
Lì xì là phiên âm của từ “lợi thị” trong tiếng Trung, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Do đó, tiền lì xì là tiền đem lại cái may mắn, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu năm.
2. Ý nghĩa của “lì xì” là gì?
Lì xì là một nét văn hóa trong ngày Tết ở những nước Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Lì xì là tục lệ của người lớn mừng tuổi trẻ em và được đặt trong những chiếc phong bì đỏ với hàm ý chúc bé mạnh khỏe, chóng lỡn và ngoan ngoãn trong năm mới.
Ở Trung Quốc, lì xì không chỉ có đầu năm mới mà còn có trong những dịp vui khác như khai trường, sinh nhật… Mọi người thường để tiền vào phong bì đỏ bởi vì màu đỏ mang lại may mắn, an lành.
Ngày nay, vào những dịp Tết cổ truyền, lì xì không chỉ dành cho trẻ em mà còn có cha mẹ, bạn bè, người thân… lấy hên đầu năm mới. Những phong bao lì xì như một lời chúc mừng năm mới với hàm ý may mắn, thịnh vượng đến cho người nhận.
3. Nguồn gốc của phong tục lì xì ngày Tết
Nguồn gốc của phong tục lì xì ngày Tết được nhiều người cho rằng nó bắt nguồn từ Trung Hoa. Nhưng các câu chuyện về sự tích lì xì cũng có nhiều rất nhiều phiên bản khác nhau. Phổ biến nhất có thể kể đến chuyện vào đêm giao thừa có yêu quái tên “Tuy” hay xuất hiện và xoa đầu trẻ con. Điều này khiến các bé giật mình, khóc thét, thậm chí đau đầu sốt cao. Bởi vậy, vào đêm giao thừa, nhiều bố mẹ không dám ngủ mà phải thức canh con.
Trong làng, có một gia đình ngoài 50 tuổi mới sinh được 1 đứa con trai. Vào giao thừa Tết năm ấy có 8 vị tiên qua nhà và thấy cậu bé này sẽ gặp họa với yêu quái nên biến thành 8 đồng tiền. Bố mẹ cậu mới đem gói tiền vào mảnh giấy đỏ, đặt bên gối. Khi yêu quái đến thấy đồng tiền lóe lên sẽ lập tức bỏ chạy. Từ đó, phong tục lì xì được hình thành.
Theo nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ thì từ Lì xì bắt nguồn từ Trung Quốc, phát âm là Lợi Thị (lãi chợ) nhưng người Việt đọc lệch ra thành lì xì.
4. Quan niệm khác nhau về lì xì giữa các quốc gia châu Á
Ở Singapore, lì xì không chỉ là những đồng tiền mới có mệnh giá từ 2-20 Đô Sing, mà có thể chứa cả voucher, vé xe tháng, tem, ngân phiếu, tiền xu hay vé du lịch, phiếu ăn nhà hàng. Điều này cho ta thấy được sự hiện đại lẫ truyền thống của ngày Tết trên đất Sing.
Trong khi ở nhiều nơi đều ưa chuộng phong bao đỏ thì riêng ở Nhật Bản người ta lại thích dùng bao lì xì màu trắng có in hoa văn hoặc những hình trang trí ngộ nghĩnh, trên đó còn ghi tên của người nhận.
Những người Mã Lai theo đạo Hồi sinh sống ở Malaysia, Brunei, Indonesia và Singapore cũng sớm tiếp nhận tục lệ mừng tuổi người già và trẻ nhỏ trong Tết Eid al-Fitr của người Hồi giáo. Tuy vậy, thay vì dùng phong bao đỏ, họ dùng phong bao xanh lá cây.
5. Ý nghĩa của bao lì xì màu đỏ?
Phong bao lì xì là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích không đáng có. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn. Người được nhận lì xì luôn tin rằng những phong bao này sẽ mang lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm.
6. Lì xì bao nhiêu là đủ?
Qua thời gian, tục lệ lì xì đã mất đi phần nào những nét đẹp vốn có, khiến câu hỏi “lì xì bao nhiêu là đủ?” trở thành những đắn đo chung trong ngày Tết. Ấy vậy mà có thể bạn chưa biết, trong khi người Hoa xa xưa thường dành tặng một vòng đỏ xâu 100 cắc tiền đồng, biểu hiện cho lời chúc sống lâu trăm tuổi và có một tên gọi khác là tiền mừng tuổi.
Còn người Việt thường bỏ vào phong bao đỏ những tờ tiền mới màu đỏ hồng như 500 đồng, 10.000 đồng (hai mệnh tiền giấy này ngày trước có màu đỏ)… với ý nghĩa cầu mong khỏe mạnh, may mắn và an lành cho con cháu.
7. Ý nghĩa của số tiền lì xì
Lì xì lấy lộc đầu năm nên vốn dĩ ý nghĩa của việc lì xì không nằm ở số tiền mừng tuổi mà quan trọng là ở tấm lòng và những câu chúc thật tâm.
Tuy nhiên nếu chọn lựa được con số tiền mừng tuổi mang ý nghĩa may mắn, phát tài phát lộc thì chắc chắn ý nghĩa phong bao lì xì sẽ càng trọn vẹn, đủ đầy hơn. Một số gợi ý về số tiền mừng mang hàm ý may mắn, phát tài, phát lộc bạn có thể tham khảo:
- 168: phát lộc phát tài thật suôn sẻ.
- 178: cùng nhau phát nào.
- 188: mau chóng phát lộc phát tài.
- 66, 666, 6666: thuận thuận thuận, thuận buồm xuôi gió.
- 88, 888, 8888: phát phát phát.
- 99, 999, 9999: thiên trường địa cửu.
- 166, 1666, 16666: cả đời thuận buồm xuôi gió.
- 199, 1999: cuộc sống dài lâu.
- 2099, 2188, 2998, 2999, 2009: tình bạn của chúng ta sẽ trường kỳ vĩnh viễn.
Một cách nữa để đảm bảo tiền lì xì mang lại may mắn đó là nên bỏ tiền chẵn, ví dụ như: 50.000đ, 100.000đ, 200.000đ, 500.000đ. Không nên bỏ 40.000đ hoặc 400.000đ vì quan niệm người Việt coi số 4 là số tử nghĩa là không may mắn.
Ngoài ra, khi mừng tuổi cần lưu ý những điều sau để một năm mới vạn sự như ý, tốt lành:
- Số tiền mừng tuổi người già, ông bà, bố mẹ cần tăng lên theo từng năm hàm ý chúc khỏe mạnh, sống lâu.
- Số tiền mừng tuổi trẻ nhỏ cần đồng nhất tránh việc trẻ nhỏ so bì, tị nạnh.
- Số tiền mừng tuổi trẻ nhỏ ít hơn số tiền mừng tuổi ông bà, bố mẹ.
- Tiền mừng tuổi nên dùng tiền mới.
- Không nên dùng bao lì xì của năm cũ.
Những chiếc bao lì xì gắn kết mọi người với nhau hơn, là lúc được thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn. Cách đón Tết nay và Tết xưa của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng lì xì vẫn là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam. Với những chia sẻ của Tangquatet.vn, sẽ giúp bạn hiểu thêm ý nghĩa của lì xì!