Mâm cỗ ẩm thực ngày Tết cổ truyền Việt Nam không chỉ đơn thuần là những món ăn, đồ uống mà còn mang ý nghĩa tâm linh đậm nét truyền thống của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung. Hãy cùng Tangquatet.vn tìm hiểu văn hóa ẩm thực Tết Việt Nam và những món ăn truyền thống ngày Tết trong bài viết sau đây nhé.
Khám phá ẩm thực ngày Tết Việt Nam
Văn hóa Việt Nam vốn có đa dạng giữa các dân tộc anh em, giữa các vùng miền với nhau. Do đó, ẩm thực ngày Tết cũng mang trong mình sự đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, sự đa dạng không đồng nghĩa với sự khác biệt. Tức là dù ẩm thực có nhiều cách thể hiện khác nhau, những món ăn khác nhau, cách chế biến cũng có thể không giống nhau, song đều hướng về những giá trị văn hóa truyền thống chung của đất nước.
Sự thống nhất trong văn hóa ẩm thực ngày Tết Việt nam được thể hiện qua ý nghĩa và những giá trị tinh thần mà từng món ăn đại diện. Chẳng hạn, màu xanh và màu đỏ được chọn làm màu sắc chủ đạo tượng trưng cho may mắn, tài lộc. Mâm cỗ thường nhất quán có 4 đĩa – 4 món hoặc 6 đến 8 đĩa – 8 món tượng trưng cho bốn mùa hoặc vạn lộc, ngăn chặn những điềm không may trong năm mới.
Nhìn chung, mâm cơm ngày Tết của người Việt chính là biểu tượng của sự sung túc, đủ đầy và thể hiện cả tấm lòng thành kính mà con cháu muốn tri ân, dâng lên ông bà, tổ tiên của mình.
1. Ẩm thực ngày Tết miền Bắc – Tinh tế và khéo léo
Theo phong tục chung, ẩm thực ngày Tết của người Việt Nam nhất thiết phải có mâm cỗ với các món ăn đặc biệt mà ngày thường ít có. Mâm cỗ phải thịnh soạn, hấp dẫn với đầy đủ màu sắc như màu xanh của bánh chưng, màu đỏ tươi của xôi gấc, canh măng vàng, đĩa giò lụa hồng,… để tạo nên mâm cỗ cổ truyền đậm đà bản sắc Việt.
Đặc biệt, mâm cỗ Tết của người miền Bắc bao giờ cũng thể hiện sự tinh tế và khéo léo. Những món ăn được chú trọng hình thức, phối hợp hài hòa giữa những món nước và món khô, giữa thịt và rau. Trong đó, mâm cỗ của người Hà Nội được đánh giá là bài bản và giữ được nét cổ truyền của người Việt.
Bánh chưng xanh là linh hồn của ngày Tết cổ truyền, thể hiện tinh hoa đất trời qua bàn tay khéo léo của con người. Trên bàn thờ tổ tiên người miền Bắc dịp Tết không thể thiếu cặp bánh chưng xanh. Bánh chưng chấm mật và ăn kèm với dưa hành thơm ngon. Trong mâm cỗ còn có Thịt đông là món riêng có của mùa xuân Bắc bộ. Trong làn không khí lạnh, thịt đông trở nên ngon hơn.
Bên cạnh đó, mâm cỗ còn có đĩa xôi gấc ăn với gà luộc rắc lá chanh, giò lụa, giò xào, nem rán, kèm đĩa nộm nhiều rau củ để bữa cỗ thêm ngon miệng. Món nước cũng không kém phần phong phú: giò heo hầm với măng lưỡi lợn, bóng nấu thập cẩm, miến nấu lòng gà, mọc nước… Người ta còn chuẩn bị thêm nồi cá chép hoặc cá trắm kho riềng, nồi thịt bò kho quế.
2. Ẩm thực ngày Tết miền Trung – Hương vị của sự chắt chiu, chia sẻ
Người miền Trung chuộng sự cầu kỳ tỉ mỉ nên ẩm thực ngày Tết miền Trung cũng phải được chăm chút kỹ lưỡng. Ngắm nhìn và thưởng thức mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung, dường như cảm nhận thấy trong đó cả âm hưởng của sự chắt chiu, chia sẻ.
Miền Trung gói bánh tét thay cho bánh chưng như người miền Bắc. Bánh Tét được gói bằng lá chuối theo hình trụ. Bên cạnh bánh tét, miền Trung cũng có nhiều loại bánh khác được đặt trên mâm cỗ ngày Tết như bánh tổ, bánh in… Mỗi loại bánh mang một hương vị riêng khiến người ta chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi.
Nếu như miền Bắc có dưa hành thì miền Trung lại đặc trưng với dưa món. Nguyên liệu của dưa món khá đơn giản, chỉ là cà rốt, đu đủ… được ngâm chua mặn. Tuy nghe có vẻ dễ làm nhưng để có được hũ dưa món trọn vẹn cả sắc lẫn vị thì cần sự tỉ mỉ và khéo léo.
Ẩm thực ngày tết Miền Trung cũng không thể thiếu nem chua, thịt giấm. Đặc biệt, tại cố đô Huế, nơi vẫn lưu giữ những món ăn từ cung đình thì mâm cỗ Tết càng tỉ mỉ và cầu kì. Món thịt tôm chua, thịt phay, nem bò lụi, chả tôm, gỏi vả lúc nào cũng phải có. Một số vùng ở miền Trung còn thêm món món bò nấu thưng, thịt nạc rim và giò heo hon béo thơm hấp dẫn.
Bởi thế, dù mộc mạc hay cao sang, những món ăn ngày Tết của miền Trung đều trở nên vô cùng hấp dẫn qua bàn tay của những người phụ nữ tần tảo.
3. Ẩm thực ngày Tết miền Nam – Giản dị và phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan và sự giao lưu văn hóa
Nam Bộ nổi tiếng là vùng đất bình dị với những con người chất phác, xởi lởi, lại thêm sản vật tự nhiên rất phong phú. Do vậy, những món ăn ở Nam Bộ không cần chế biến cầu kỳ vẫn khiến vị giác đắm say. Có lẽ bởi vậy, văn hóa ẩm thực ngày Tết của miền Nam thường đơn giản hơn so với miền Bắc và miền Trung. Bánh tét, thịt kho tàu và canh khổ qua là 3 món đặc trưng trong ngày Tết của vùng Nam Bộ.
Có khá nhiều loại bánh tét như bánh tét mặn, bánh tét chay không nhân, bánh tét ngọt, bánh tét lá cẩm, lá gấc, bánh tét ngũ sắc… để phù hợp với nhu cầu thưởng thức. Tại đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều làng bánh Tét nổi tiếng, như Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang… nhưng không ở đâu có bánh Tết ngon như ở Trà Cuôn (Trà Vinh). Có thể nói, bánh Tét chính là “linh hồn Tết” của người Nam Bộ.
Và món ăn không thể thiếu được, dù bất luận nhà giàu hay nghèo, là thịt kho tàu – hay còn gọi là thịt kho trứng, thịt kho nước dừa. Miếng thịt kho tàu vuông vắn với quả trứng tròn trắng tinh tượng trưng cho sự kết hợp hài hòa âm – dương. Thịt kho tàu thường được cúng hoặc ăn kèm với cơm trắng và dưa giá.
Một món ăn dân dã khác trong nền ẩm thực ngày Tết truyền thống không thể không nhắc đến là khổ qua dồn thịt. Bên cạnh là một món ăn ngon miệng, có tác dụng thanh mát cơ thể, người miền Nam ăn món canh khổ qua mong ước năm mới mọi sự khổ cực đều qua đi, mang lại niềm may mắn cho cuộc sống. Một bát canh khổ qua dồn thịt trong gian hàng ẩm thực ngày Tết giúp chúng ta cảm nhận được hết mỹ vị của nhân sinh.
Nem bì, lòng heo khìa, lạp xưởng tươi, gỏi gà xé phay trộn củ hành, củ kiệu chua, tôm khô kiệu chua… cũng là những món ăn thường có trong ẩm thực Tết Nguyên Đán của người Nam Bộ. Nếu ngán những món quá nhiều thịt mỡ, người ta còn làm cá lóc nướng hoặc hấp cuốn với bánh tráng, vừa bổ sung thêm rau xanh, vừa dễ ăn.
Top 21+ món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết
1. Bánh chưng
Bánh chưng là một món ăn truyền thống trong nền ẩm thực ngày Tết Việt Nam từ xưa đến nay và được coi là biểu tượng cho ngày Tết. Món ăn tượng trưng cho sự hòa quyện của trời đất, là một nét văn hóa lâu đời của dân tộc ta.
Sự kết hợp hài hòa giữa gạo nếp dẻo, đậu xanh ngọt bùi, tiêu cay nhẹ và thịt mỡ béo ngậy đã tạo nên một hương vị ngày Tết không thể lẫn vào đâu được. Để nấu được bánh ngon, vuông vắn thì bạn cần phải có chút kinh nghiệm và bàn tay khéo léo.
Thường thì mỗi nhà vẫn tự gói bánh chưng trong mỗi dịp xuân về. Gói bánh chưng không chỉ là chế biến một món ăn trong dịp Tết mà đó còn là một dịp để gia đình sum họp, quây quần bên nhau. Bên bếp lửa hồng, nồi bánh chưng đang sôi trên bếp, mỗi thành viên trong gia đình kể cho nhau nghe về những điều đã qua, những dự định tương lai và bao câu chuyện khác. Từ đó tình cảm gia đình thêm gắn kết, bền chặt hơn.
2. Bánh Tét
Nếu ở miền bắc đón Tết bằng bánh chưng xanh thì miền Nam cũng đón Tết bằng những cặp bánh tét. Dù gia đình có khó khăn đến mấy, cuối năm người Nam Bộ vẫn gói được năm bảy đòn bánh tét để đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên, biếu cha mẹ, anh em, họ hàng rồi xóm giềng thân thiết.
Nguyên liệu gói bánh Tét không khác gì bánh chưng, nhưng bánh tét không mang hình vuông mà lại dài hình trụ. Bánh tét được gói bằng lá chuối chứ không phải lá dong như bánh chưng. Bánh thường đi theo đôi, theo cặp để khi bày bàn thờ cúng tổ tiên hay đem biếu tặng người thân mang ý nghĩa may mắn, tốt lành.
Không chỉ nguyên liệu truyền thống là lá chuối, gạo nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ mà tùy vào khẩu vị mỗi gia đình lại có những cách chế biến sáng tạo như bánh tét nhân chuối, nhân đậu đen, nhân thập cẩm…
Như một nét văn hóa của người Nam Bộ từ thuở khai hoang, lập cõi đến nay, gói bánh tét như một món ăn chắt chiu những gì tinh túy mà gần gũi nhất trong nông nghiệp để tạ ơn thần đất, ông bà tổ tiên…
3. Thịt gà luộc
Gà luộc là một món ăn quen thuộc, không thể thiếu trong các mâm cỗ, nhất là trong dịp Tết. Đĩa gà luộc xuất hiện trong mâm cơm đãi khách sẽ thật nổi bật nhờ màu vàng ươm, căng bóng, thịt mềm mà da vẫn dai. Vị ngọt thơm của miếng thịt gà ăn kèm với lá chanh, chấm muối chanh ớt sẽ tạo nên một hương vị riêng rất khó quên.
4. Thịt đông
Thịt đông là món đặc trưng của Tết cổ truyền miền Bắc với tiết trời lạnh. Trời càng lạnh, ăn thịt đông lại càng ngon. Thịt đông thường được nấu từ thịt chân giò cùng với nấm hương, mộc nhĩ, vừa béo ngậy lại vừa thơm ngon, càng ăn càng thấy hấp dẫn. Đặc trưng của món thịt đông là phải nấu thật nhừ, đến khi có một lớp mỡ sánh trên bề mặt thì mới đạt tiêu chuẩn.
Thịt đông khi ăn có vị ngọt mềm, màu trong veo đẹp mắt, gia vị hoà quyện tạo nên một món ăn hài hoà. Người miền Bắc thường ăn thịt đông với cơm nóng, đây sẽ là một sự kết hợp tuyệt vời cho bữa cơm ngày Tết của bạn đó.
5. Canh bóng bì lợn
Canh bóng bì lợn hay còn gọi là canh bóng thả, là món ăn có trong mâm cỗ mỗi dịp Tết của người Hà Nội xưa, đại diện cho ẩm thực ngày Tết Bắc Bộ. Canh có vị thanh mát, ngọt dịu của nước dùng, kèm với thịt mọc béo thơm, bóng bì giòn sần sật, thơm lừng hương nấm và rau củ tạo nên hương vị trọn vẹn.
Tuy nhìn món canh này có vẻ công phu, nhưng cách làm khá là đơn giản. Bạn hãy cùng vào bếp và chiêu đãi gia đình mình nhé.
6. Canh măng chân giò
Nếu bạn đã quá ngán với những món ăn đầy dầu mỡ thì canh măng chân giò là món ăn không thể thiếu trong thực đơn mâm cỗ Tết nhà mình được. Món canh với vai trò vừa giúp giải ngấy vừa giúp bổ sung chất dinh dưỡng.
Chân giò được hầm mềm thơm, beo béo kết hợp cùng măng tươi dai giòn sần sật không hề bị hăng chút nào, nước dùng thì ngọt thanh, đậm đà, ăn cùng bún tươi thì chỉ có tuyệt vời.
7. Nem rán
Nem rán nhìn thì đơn giản, nguyên liệu cũng không khó kiếm nhưng lại thể hiện hết những tài hoa, sự tinh tế của người chế biến. Nem là món ăn quen thuộc và phổ biến ở tất cả các vùng miền trên cả nước.
Nguyên liệu chính là thịt nạc băm nhỏ, miến, nấm hương, trứng, hành lá, giá đỗ… trộn đều cùng nhau nên được coi là món ăn tượng trưng cho “quốc hồn, quốc túy”. Sau đó nêm nếm gia vị rồi đem gói vào từng chiếc bánh tráng tròn trịa rồi đem chiên vàng. Tùy vào khẩu vị và sở thích mà các nguyên liệu và gia vị có thể tăng giảm cho vừa miệng.
Ở miền Nam, nem rán còn có tên gọi là chả giò hay miền Trung được gọi là chả cuốn. Trong mâm cỗ Tết, món nem rán thì đó chính là món đắt khách nhất, được nhiều người yêu thích nhất. Món ăn không chỉ được sử dụng trong mâm cỗ ngày Tết mà còn được sử dụng trong những bữa ăn hàng ngày của gia đình Việt.
8. Giò lụa
Giò lụa cũng là một món ăn truyền thống trong mâm cỗ ngày Tết. Với ý nghĩa là “trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà”, giò lụa là một phần không thể thiếu của ẩm thực ngày Tết Việt Nam.
Món ăn thơm ngon, đậm đà với hương vị ngọt tươi của thịt heo có thể kết hợp ăn với cơm hay bánh mì đều ngon. Chả giò cũng có thể bảo quản trong tủ lạnh và chỉ cần đem chiên sơ vài phút là có thể đãi khách bất cứ lúc nào. Bởi vì vậy, món chả giờ rất thích hợp dùng trong những ngày Tết, thường được nhiều gia đình lựa chọn.
9. Dưa hành
Câu ca xưa truyền bao đời nay về Tết Việt đó là “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Dưa hành là món ăn kèm luôn luôn có mặt trong mâm cỗ ngày Tết của người dân Việt.
Với vị chua chua cay nhẹ và được dùng để ăn kèm cùng với bánh chưng hay thịt đông vô cùng ngon. Đây chính là món chống ngán hữu hiệu nhất trong ngày tết mà các bạn cần biết. Cho dù cuộc sống luôn thay đổi nhưng chắc chắn rằng một điều rằng, Việt Nam còn Tết thì sẽ còn bánh chưng và dưa hành sẽ là món ăn đồng hành cùng những ngày Tết của dân tộc.
10. Chè kho
Chè kho là món ăn rất phổ biến trong các mâm cỗ cúng tổ tiên của gia đình người Việt vào ngày rằm, mồng một đầu tháng hoặc ẩm thực ngày tết đoan ngọ, Tết Nguyên Đán,… Món chè kho được xem như một nét đặc trưng truyền thống cho ẩm thực ngày Tết mà không thể bỏ qua.
Chè kho có vị beo béo của nước cốt dừa, hương vị đỗ xanh quyện lại cùng đường tạo nên món ăn ngọt ngào đậm vị trong ngày đầu xuân năm mới, đảm bảo ai nấy ăn rồi chắc chắn sẽ ghiền.
11. Xôi gấc
Theo quan niệm của người xưa, màu đỏ là màu của may mắn, màu của hạnh phúc lứa đôi. Vì vậy mà trong những ngày rằm, ngày lễ, đặc biệt là ngày Tết thì nhất định phải có một đĩa xôi gấc.
Xôi gấc được nấu từ gạo nếp trộn với gấc tươi rồi cho vào nồi hấp. Sau khi được đun chín thì xôi sẽ có màu đỏ tươi rất đẹp và hấp dẫn. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo của gạo nếp, vị béo của nước cốt dừa và vị ngọt của đường. Món xôi gấc có hương vị thơm ngon mà lại rất bổ dưỡng với hàm lượng vitamin A cao.
12. Thịt heo ngâm mắm
Thịt heo ngâm nước mắm là một trong những món ăn đặc trưng của ẩm thực Tết Việt Nam, nhất là ở miền Trung thân thương. Mỗi dịp Tết đến Xuân về thì món thịt ngâm mắm là cách muối thịt phổ biến nhất ở nhiều tỉnh miền Trung.
Nguyên liệu có thể là thịt heo hoặc thịt bò đều được, sơ chế xong được ngâm vào nước mắm đường đã pha nấu theo một tỉ lệ nhất định. Từng thớ thịt heo săn chắc được ngâm cùng nước mắm trong nhiều ngày tạo thành một món ăn cực kỳ ngon miệng. Món thịt này ăn có vị mặn, ngọt và thường ăn kèm với cơm, bánh tét, dưa món, củ kiệu chua ngọt và rau thơm.
13. Bắp bò rim
Có thể bạn chưa biết bắp bò rim cũng là 1 món truyền thống trong mâm cỗ ngày Tết của nhiều gia đình. Bắp bò rim thơm lừng với hình thức vô cùng bắt mắt, nhìn thôi đã không thể khước từ được rồi.
Miếng bò được rim vừa đúng nhiệt độ và thời gian nên ăn mềm ngon chẳng hề dai tẹo nào, quyện cùng nước sốt đậm đà. Khi chấm vào miếng bánh mì thì hương vị tuyệt vời của món bắp bò rim có thể chinh phục những người ăn khó tính nhất.
14. Gỏi cuốn
Gỏi cuốn là món ăn hấp dẫn, bắt miệng với đa dạng các nguyên liệu khác nhau. Tuy nhiên trong danh sách hôm nay, Tangquatet.vn sẽ giới thiệu đến bạn món gỏi cuốn tôm thịt thân quen, dân dã mà không thể nào chối từ.
Tôm thịt tươi ngọt được bao bọc bởi lớp bánh tráng mềm dai, thêm một ít rau sống tươi xanh, chấm cùng chén nước chấm chua ngọt, chỉ muốn ăn mãi ăn mãi thôi. Món gỏi cuốn giúp bạn giải ngấy sau khi ăn những món nhiều dầu mỡ, lại còn chứa nhiều chất dinh dưỡng.
15. Tôm chua
Một món ăn nữa không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết đó chính là tôm chua, đặc sản dân dã của người dân xứ Huế.
Món tôm chua có vị ngọt bùi của tôm, béo ngậy của thịt, vị cay và thơm của riềng, tỏi ớt, vị chua của khế, chát của vả, hương của các loại rau thơm,… tạo nên ấn tượng khó quên cho những ai đã từng thử qua. Tất cả tạo nên một “bản hòa tấu hương vị” hấp dẫn khiến bất kì ăn qua một lần sẽ phải nhớ mãi.
Tôm chua thường được dùng làm nộm (gỏi), chấm với các món luộc, cuốn rau và bánh tráng ăn rất ngon, tròn vị. Vì vậy, Tết này bạn hãy thử trổ tài làm tôm chua để chiêu đãi gia đình mình nhé.
16. Dưa món
Dưa món là món ăn truyền thống không thể thiếu trong những ngày Tết đến. Người ta thường dùng dưa món ăn kèm với bánh chưng và bánh tét. Món ăn mang vị ngọt đậm đà của nước mắm cùng sự giòn tan của đu đủ, su hào, cà rốt sẽ làm cho hương vị các món ăn ngày Tết của bạn thêm phong phú.
Mặc dù nghe qua có vẻ đơn giản nhưng để có thể làm được dưa món đầy sắc và vị thì tốn không ít thời gian và sự tỉ mỉ. Lát bánh tét dẻo mềm ăn kèm cùng với dưa món giòn giòn, chua chua đem đến cho người ăn cảm giác lạ miệng rất khó quên, một hương vị rất riêng trong những ngày Tết.
17. Tré
Tré là 1 món ăn đặc sản của người Bình Định, tuy nhiên lại được nhiều gia đình ở mọi vùng miền thêm vào mâm cỗ ngày Tết. Món tré có đa dạng cách chế biến, đặc biệt là làm nguyên liệu chính cho các món gỏi hoặc có thể ăn không cũng rất ngon.
Đầu tiên, khi cắn vào miếng tré bạn sẽ cảm nhận được ngay vị chua nhè nhẹ của tré gây kích thích nơi đầu lưỡi, tiếp đến là vị beo béo của thịt heo cùng vị mặn đậm đà. Bạn có thể chấm cùng tương ớt hay ăn riêng cũng đều khiến người ta phải say mê.
18. Chả bò
Trong bàn tiệc thiết đãi khách trong những ngày đầu xuân của người miền Trung thường có khoanh chả bò đỏ hồng. Nhìn từng miếng chả bò được xếp tươm tất trên dĩa là biết ngay không khí Tết đang ùa về, lòng nôn nao bồi hồi. Vì vậy, chả bò được xem là món ăn tiêu biểu cho nền ẩm thực ngày Tết của người Việt.
Với đủ vị mặn, ngọt, giòn, dai, cay quyện với mùi thơm nồng đặc trưng của tiêu đen đã khiến cho món này không thể thiếu trong các dịp lễ Tết. Chả dai dai, đậm đà với vị ngọt tự nhiên của thịt bò quyện cùng chút béo thơm của mỡ heo, chấm vào chén muối tiêu cay the, ôi thôi “chuẩn không cần chỉnh”.
19. Thịt kho củ cải
Bạn mua quá nhiều thịt heo nhưng chưa biết kết hợp với nguyên liệu nào thử ngay món thịt kho củ cải. Món ăn tuy mới lạ chút xíu nhưng thành phẩm lại khiến bạn phải ngạc nhiên đấy.
Thịt ba chỉ tươi ngon quyện cùng chút beo béo của mỡ, ăn cùng củ cải ngọt tươi, tất cả tạo nên 1 hương vị hợp đến khó tả, nhớ chuẩn bị thêm nồi cơm nóng để bữa ăn thêm tròn vị nhé!
20. Bánh thuẫn
Từ lâu, bánh thuẫn đã được xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết như 1 tục lệ mà chẳng gia đình nào có thể thiếu sót được.
Mặc dù ngày nay có nhiều loại bánh ngon hơn đẹp hơn xuất hiện nhưng chẳng thế nào làm phai nhoà hương vị ngọt ngọt, thơm xốp của bánh thuẫn trong tiềm thức của mỗi người dân Việt.
21. Thịt kho tàu
Người miền Nam đón Tết không thể thiếu món thịt kho tàu. Thịt lợn được lấy là phần ba chỉ ngon nhất, kho chung với trứng vịt hoặc trứng cút. Người Nam bộ coi món thịt kho tàu có ý nghĩa cho gia đình yên ấm, thịnh vượng, đó là món ăn giản dị, thân quen gắn bó với các thành viên trong gia đình. Bạn có thể dùng món thịt kho Tàu ăn chung với cơm trắng hay dưa giá đều rất ngon.
22. Canh khổ qua dồn thịt
Khổ qua là một loại thực phẩm mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của con người. Đặc biệt khi có thêm thịt và nấm mèo càng làm tăng sự bổ dưỡng cho món ăn. Có lẽ vì vậy mà canh khổ qua là một sự lựa chọn tuyệt vời với nhiều gia đình trong mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Canh khổ qua là một món ăn thanh mát, giải nhiệt lại còn mang ý nghĩa bỏ qua những điều kém may mắn và đón chờ niềm vui đến. Vậy nên bạn đừng quên thêm món canh khổ qua dồn thịt vào menu ngày Tết của gia đình mình nhé.
23. Củ kiệu
Bánh chưng bánh tét thì làm sao thiếu được món củ kiệu ăn kèm. Món ăn dân dã, thân thương đến nỗi chỉ cần nhìn thấy là cảm nhận được ngay năm mới sắp đến, mùa xuân ùa về. Vì vậy mà củ kiệu trở thành món ăn truyền thống luôn luôn xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết của người Việt. Cái mùi thơm đặc trưng cùng vị giòn giòn, chua ngọt của củ kiệu làm ai nấy cũng phải mê đắm.
24. Củ cải ngâm
Ngoài củ kiệu thì củ cải ngâm cũng là món ăn kèm không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết vì rất được ưa chuộng. Nếu ai không thích vị hăng hăng 1 chút của củ kiệu thì chọn ngay củ cải ngâm nhé, vừa ngon mà chẳng phải lo hít hà.
Từng miếng củ cải giòn rụm, được thấm gia vị đậm đà, kẹp cùng miếng bánh tét sẽ khiến bạn không thể cưỡng lại. Bạn đừng quên bỏ vào tủ lạnh cho củ cải thêm giòn và bảo quản được lâu hơn nhé!
25. Dưa cải chua
Nếu bạn quá ngán với những món ăn đầy dầu mỡ ngày Tết thì dưa cải chua sẽ là một lựa chọn vô cùng thanh đạm mà không kém phần hấp dẫn dành cho bạn. Độ giòn tươi của cải cùng vị chua mặn được hoà quyện vào nhau tạo nên hương vị độc lạ đến khó cưỡng. Nếu muốn đậm đà hơn, bạn có thể xào dưa cải chua cùng thịt ăn kèm cơm nóng cũng là 1 lựa chọn không tồi.
26. Lạp xưởng
Tuy lạp xưởng là món ăn bắt nguồn từ Trung Hoa nhưng đã xuất hiện trong ẩm thực Việt từ rất lâu đời, nhất là trong các mâm cơm ngày Tết của người dân Nam Bộ. Lạp xưởng có màu đỏ hồng đẹp mắt, hương vị béo của mỡ, thơm nức từ gia vị xá xíu và rượu Mai Quế Lộ, ngon dai sần sật.
27. Xôi vò
Cứ ngỡ xôi vò chỉ xuất hiện trong cuộc sống đời thường, tuy nhiên xôi vò cũng được xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết như một nét đặc trưng mà chẳng thế nào bỏ qua được. Chén xôi vò mềm dẻo, thơm lừng, hấp dẫn khó tin. Bạn có thể ăn kèm cũng chả để món ăn thêm phần trọn vị nhé.
Trên đây là bài viết về ẩm thực ngày Tết và các món ăn truyền thống trong mâm cỗ Tết của người Việt Nam. Tangquatet.vn hy vọng bạn sẽ có thêm kiến thức về văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực ngày Tết nói riêng của các vùng miền trên đất nước. Mong rằng bạn có thêm nhiều lựa chọn cho mâm cỗ ngày Tết của gia đình mình nhé!