Chúng ta thường hay nghe câu: “Thấy bánh chưng là thấy Tết!”. Vậy tại sao ngày Tết lại có bánh chưng? Ý nghĩa bánh chưng ngày Tết là gì? Hãy cùng Tangquatet.vn tìm hiểu lý do ngày Tết lại có bánh chưng, nguồn gốc và những ý nghĩa to lớn của bánh chưng mà ít người biết đến trong bài viết dưới đây.
1. Tại sao ngày Tết lại có bánh chưng?
Mỗi khi Tết đến Xuân về, người Việt dù có đi đâu ở đâu cũng không bao giờ thiếu những chiếc bánh chưng, bánh tét trong mâm cỗ cúng tổ tiên. Trong tâm thức của người Việt Nam, bánh chưng không chỉ là món ăn, mà còn là truyền thống, tinh thần và biểu tượng mà mỗi khi ta nhìn thấy là biết Tết đã về.
Trong những ngày Tết, ai cũng trân trọng khoảnh khắc được sum họp cùng gia đình quanh nồi bánh chưng. Mọi người được quây quần bên nhau, cùng gói những chiếc bánh thơm ngon, ôn lại kỉ niệm của một năm qua và ước mong về một năm mới đủ đầy.
2. Nguồn gốc của bánh chưng bánh giầy ngày Tết
Nguồn gốc của bánh chưng được gắn liền với sự tích Bánh chưng bánh giầy.
Chuyện kể rằng vào thời Vua Hùng Vương thứ 6, nhà vua muốn tìm một loại lễ vật để cúng Tiên Vương. Những người con khác đều mang đến sơn hào hải vị. Còn hoàng tử thứ mười tám là Lang Liêu, được thần nhân mách bảo, đã mang đến hai món bánh làm từ hạt gạo thân thuộc.
Vua cha xúc động và đặt tên bánh là “Bánh chưng” với hình vuông tượng trưng cho Đất, “Bánh giầy” với hình tròn tượng trưng cho trời. Kể từ đó, cứ đến ngày Tết thì vua ra lệnh cho dân chúng làm bánh chưng và bánh giầy để dâng lên tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ mang đến vụ mùa thuận lợi cho một năm mới.
3. Ý nghĩa bánh chưng bánh giầy ngày Tết
Ý nghĩa của bánh chưng bánh giầy tượng trưng cho Trời Đất
Khi xuất hiện trong giấc mơ của Lang Liêu và mách bảo chàng, thần nhân đã giảng giải cặn kẽ về nguyên liệu làm nên chiếc bánh là gạo – hạt ngọc Trời nuôi nấng tâm hồn người Việt.
Hơn nữa, bánh chưng hình vuông và bánh giầy hình tròn chính là sự đại diện cho Đất Trời. Hai nhân tố luôn ôm lấy, bao bọc và che chở nhân dân.
Biểu tượng của tinh thần đoàn kết, đùm bọc và yêu thương – Ý nghĩa bánh chưng xanh
Vua Hùng đã nhận định: “Lá bọc ngoài, mĩ vị để trong là ngụ ý đùm bọc nhau”. Tinh thần đoàn kết, đùm bọc và yêu thương chính là ý nghĩa của bánh chưng. Đây vốn đã là truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Mỗi khi đất nước lâm nguy, bất cứ ai là người Việt đều sẵn sàng từ bỏ lợi ích cá nhân vì lợi ích của cả dân tộc. Mỗi khi có cá nhân nào gặp nạn, luôn có những hành động giúp đỡ cao cả từ đồng bào. Và đôi khi chẳng cần là Tết, một chiếc bánh chưng sẻ nửa cũng làm ấm lòng cả người cho và người nhận.
Tượng trưng cho vũ trụ nhân sinh – Ý nghĩa của truyền thuyết bánh chưng bánh giầy
Theo truyền thuyết, bánh chưng ngày Tết hình vuông có góc cạnh và hình khối cụ thể thuộc âm, tượng trưng cho đất. Bánh dày hình tròn không có góc cạnh cũng như hình khối cụ thể thuộc dương, tượng trưng cho trời nên có màu trắng và không nhân vị.
Như vậy, ý nghĩa truyện bánh chưng bánh giầy thể hiện triết lý Âm Dương, quan niệm phương Đông nói chung và triết lí Vuông Tròn của Việt Nam nói riêng.
Khát vọng về cuộc sống no đủ và sung túc – Ý nghĩa của bánh chưng bánh tét ngày Tết
Một chiếc bánh chưng gồm các nguyên liệu từ động vật đến thực vật như thịt mỡ, đậu xanh, gạo nếp, lá dong thể hiện sự sung túc, ấm no. Bánh giầy với hình tròn đầy đặn chính là sự đầy đủ, trọn vẹn trong cuộc sống. Ý nghĩa bánh chưng tuy đơn giản nhưng lại là những mong cầu của người dân vào dịp Tết đến Xuân về.
Chính vì vậy, bánh chưng không thể thiếu trong ngày Tết, nhằm thể hiện sự biết ơn Trời Đất đã cho mưa thuận gió hoà, để mùa màng bội thu. Đồng thời, ý nghĩa của bánh chưng cũng là gửi gắm đến “Đất Trời” khát vọng về một năm mới an khang thịnh vượng, làm ăn phát tài và cuộc sống ấm no sung túc của gia chủ.
Tưởng nhớ cội nguồn – Ý nghĩa bánh chưng Tết
Bánh chưng mang nguyên tố Âm, tượng trưng cho Mẹ. Bánh giầy mang nguyên tố Dương, tượng trưng cho Cha. Do đó, bánh chưng bánh giầy thể hiện truyền thống hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ.
Bên cạnh đó, bánh chưng bánh giầy là món ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng tổ tiên. Thể hiện sự biết ơn các thế hệ đi trước và truyền thống uống nước nhớ nguồn của thế hệ sau vào dịp Tết cổ truyền.
Biểu tượng của nền văn minh lúa nước
Việt Nam gắn liền với nền văn minh lúa nước nên từ xa xưa đời sống của người dân đã phụ thuộc vào thiên nhiên rất nhiều. Bánh chưng được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ và lá dong. Những nguyên liệu để làm bánh chưng đều là sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi và là thành quả lao động của người nông dân cần cù, chịu khó.
Bánh chưng ngày Tết tuy bình dị về nguyên liệu nhưng lại có ý nghĩa to lớn. Do đó, mỗi dịp Tết đến nhà nhà đều gói bánh chưng để thể hiện sự biết ơn với trời đất và mong muốn năm tiếp theo sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu.
Bánh chưng bánh giầy mang ý nghĩa tinh thần đặc biệt
Thông thường, các gia đình có thói quen gói bánh vào ngày 27 và 28 Tết. Đây là khoảng thời gian kết thúc công việc sau cả 1 năm vất. Ông bà, cha mẹ cùng con cháu xum vầy trước không khí rạo rực của mùa xuân, chuẩn bị mọi thứ cho ngày Tết đến.
Hình ảnh làm chúng ta thấy ấm lòng nhất chính là cả gia đình cùng quây quần bên nhau gói bánh chưng hay ngồi canh nồi bánh sôi sùng sục trên bếp lửa đầy than hồng. Chúng thật là đẹp và ý nghĩa với mỗi người con Việt Nam.
Bánh chưng tốt cho sức khỏe
Với các nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh và thịt heo, bánh chưng cung cấp cho chúng ta rất nhiều chất và vitamin bổ dưỡng cho cơ thể. Do đó bánh chưng là một món ăn vô cùng giàu chất dinh dưỡng.
Cụ thể, đậu xanh có vị thanh mát giúp thanh nhiệt, giải độc và cân bằng với độ béo của thịt và nếp. Bên cạnh đó, gạo nếp cung cấp lượng tinh bột, bổ sung năng lượng và tốt cho gan.
Trên đây là nội dung về nguồn gốc và ý nghĩa của bánh chưng ngày Tết cùng với lý do bánh chưng trở thành biểu tượng cho ngày Tết mà chắc hẳn nhiều người còn chưa hiểu rõ. Qua bài viết, Tangquatet.vn hy vọng bạn phần nào có thêm kiến thức về bánh chưng Tết. Chúc bạn sẽ có một mùa Tết thật ấm cúng và trọn vẹn bên gia đình!