Cách gói bánh chưng ngày tết đơn giản và cực đẹp cho người mới

Theo dõi Tangquatet.vn trên Google News

Bánh chưng là một trong các món ăn truyền thống không thể thiếu vào ngày Tết của người Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết cách gói bánh chưng ngày Tết sao cho ngon và đẹp. Bạn hãy cùng Tangquatet.vn tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa, nguyên liệu và cách làm bánh chưng ngày Tết nhé!

Nguồn gốc phong tục gói bánh chưng ngày Tết của người Việt Nam

Theo truyền thuyết, tục gói bánh chưng ngày Tết bắt nguồn từ đời vua Hùng Vương thứ 6. Nhân dịp giỗ tổ, vua Hùng đã triệu tập các người con đến và truyền rằng: người nào tìm được lễ vật hợp ý nhà vua sẽ được vua cha nhường ngôi.

Hình ảnh thuyết minh về phong tục gói bánh chưng ngày Tết
Phong tục gói bánh chưng ngày Tết

Lang Liêu là người con nghèo khó nhất nên không có khả năng dâng những đồ lễ quý hiếm. Chàng đã dùng những nông sản hết sức thân thuộc như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra hai loại bánh. Bánh Chưng tượng trưng cho trời và bánh Giầy tượng trưng cho đất để làm lễ vật.

Lễ vật của Lang Liêu rất hợp ý vua Hùng và nhà vua đã truyền ngôi cho Lang Liêu. Kể từ đó tục gói bánh chưng, bánh giầy được lưu truyền trong nhân gian và là những lễ vật không thể thiếu khi dâng cúng tổ tiên. Phong tục nhằm thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn của hậu thế.

Ý nghĩa của bánh chưng ngày Tết

Tuy là món ăn quen thuộc vào mỗi dịp Tết đến – Xuân về nhưng ít ai biết hết được những ý nghĩa đặc biệt sâu sắc của bánh chưng ngày Tết.

Bánh chưng bánh tét ngày Tết mang nét đẹp văn hóa người Việt

Từ xưa, nền văn hóa lúa nước dân tộc Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố thiên nhiên. Chính vì vậy, bánh chưng xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết thể hiện sự biết ơn đất trời. Và lời cầu mong mưa thuận gió hòa cho mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Bánh chưng ngày Tết được dâng lên bàn thờ tổ tiên
Bánh chưng ngày Tết được dâng lên bàn thờ tổ tiên

Bên cạnh đó, bánh chưng là món quà của hoàng tử Lang Liêu dâng tặng vua cha nhân dịp sinh thần với tất cả tấm lòng hiếu thuận. Do đó, bánh chưng ngày Tết còn thể hiện sự hiếu thảo của người con dành cho cha mẹ.

Và việc trang trí mâm bánh chưng ngày Tết để cúng tổ tiên cũng sẽ góp phần thể hiện lòng thành, sự hiếu thuận của con cháu đối với ông bà tổ tiên. 

Hình ảnh bánh chưng ngày Tết mang ý nghĩa tinh thần đặc biệt

Cứ vào ngày 27 và 28 Tết, mỗi gia đình đều tất bật chuẩn bị nguyên liệu, cùng nhau sum vầy gói bánh trước không khí rạo rực của mùa xuân. Ông bà, cha mẹ, con cháu cùng quây quần bên nhau sẻ chia và kể nhau nghe những câu chuyện vui buồn của năm qua khi ngồi canh nồi bánh chưng ngày Tết.

Cả nhà quây quần để gói và nấu bánh chưng ngày Tết
Cả nhà quây quần để gói và nấu bánh chưng ngày Tết

Một cái Tết sẽ không trọn vẹn nếu thiếu màu xanh của bánh chưng, bánh tét. Dù công việc có bộn bề đến đâu nhưng 1 chiếc bánh chưng dâng lên bàn thờ gia tiên chắc chắn phải có. Truyền thống gói bánh chưng là nét đẹp trong đời sống tinh thần của dân tộc ta.

Bánh chưng là món ăn có lợi cho sức khỏe

Bánh chưng là một món ăn rất bổ dưỡng. Với các nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh và thịt heo, bánh chưng cung cấp cho chúng ta rất nhiều dưỡng chất cho cơ thể.

Cụ thể đậu xanh có tác dụng thanh nhiệt và giải độc, giúp bánh chưng có vị thanh mát cân bằng với độ béo của thịt và nếp. Bên cạnh đó, gạo nếp cung cấp lượng tinh bột, bổ sung năng lượng và tốt cho gan.

Để gói bánh chưng cần chuẩn bị những gì?

Nguyên liệu cần để làm bánh chưng ngày Tết

Sau đây là nguyên liệu để gói 5 chiếc bánh chưng cỡ vừa:

STTCác nguyên liệu cần chuẩn bịSố lượng
1  Lá dong 25 lá
2  Gạo nếp loại ngon650 gam
3  Đậu xanh không vỏ400 gam
4  Thịt heo ba chỉ 400 gam
5  Gia vị: muối, hạt nêm, tiêuTùy khẩu vị
Nguyên liệu gói bánh 5 cái bánh chưng

Nếu bạn muốn gói bánh chưng mini hơn để tiện trang trí bàn thờ tổ tiên thì bạn có thể điều chỉnh lượng nguyên liệu cho phù hợp.

Khi bạn chọn thịt heo ba chỉ thì nên chọn thịt mềm, có cả da, thịt và một lớp mỡ. Bạn nên chọn loại mỡ mỏng để bánh không bị bóng dầu và quá mềm. Nếu bạn không thích ăn mỡ thì có thể chọn thịt heo ở phần vai để gói bánh chưng. Tuy nhiên, bạn không nên chọn loại có quá nhiều nạc để bánh không bị cứng.

Vật dụng để gói bánh chưng ngày Tết Việt Nam

Các vật dụng để gói bánh chưng ngày Tết gồm:

  • 1 bó lạt tre mềm
  • Khuôn tre để gói bánh chưng 
  • 1 cái nồi lớn để luộc bánh chưng
  • Than hoặc củi
Khuôn gói bánh chưng ngày Tết
Khuôn gói bánh chưng ngày Tết

Cách gói bánh chưng ngày Tết đơn giản và cực đẹp cho người mới

Công đoạn 1: Chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu

Vì bánh được luộc và bảo quản trong thời gian dài nên khâu chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu để gói bánh chưng ngày Tết là vô cùng quan trọng.

Lá dong

Lá dong chính là linh hồn của bánh chưng ngày Tết nên bạn chọn những lá to bản, đều nhau, không bị rách, màu xanh mướt để gói. Trước khi rửa sạch, bạn cần dùng dao nhỏ và sắc để gọt bớt phần sống lá. Vì sống lá dong khá to và cứng gây khó khăn cho quá trình gói.

Gọt sống lá dong để khi gói dễ dàng hơn
Gọt sống lá dong để khi gói dễ dàng hơn

Sau khi cắt sống lá, bạn rửa sạch cả 2 mặt của lá và dùng khăn vải lau cho thật khô. Nếu lá dong được rửa càng kỹ thì bánh chưng sẽ bảo quản được càng lâu và tránh được tình trạng bị mốc.  

Gạo nếp

Để bánh chưng được thơm ngon, gạo nếp phải có hạt to, tròn, dẻo đều và mới thu hoạch sẽ thơm dẻo hơn. Nhiều người ưa chọn nếp Cái Hoa Vàng hay nếp Nương.

Ngâm gạo nếp trước khi gói giúp bánh chưng dẻo và thơm hơn
Ngâm gạo nếp trước khi gói giúp bánh chưng dẻo và thơm hơn

Bạn vo sạch gạo nếp và sau đó ngâm gạo với một khoảng 1/2 muỗng cà phê muối trong khoảng 12 giờ. Sau khi ngâm, bạn vớt gạo nếp ra và để ráo. Nếu không ngâm với muối trước đó thì bạn có thể rắc muối vào nếp đã để ráo sau khi ngâm cũng được nhé. 

Đậu xanh không vỏ

Đậu xanh để gói bánh chưng ngày Tết phải được lựa chọn công phu. Bạn nên chọn loại đậu trồng ở vùng đồi trung du Việt Nam (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,…) sẽ thơm và bở hơn. Sau thu hoạch đậu cần phơi nắng đều thật khô, sàng sẩy hết rác, bụi, hạt lép, phân loại hạt rồi đóng vào hũ, lọ bằng sành.

Ngâm đậu xanh bằng nước ấm trước khi gói
Ngâm đậu xanh bằng nước ấm trước khi gói

Cách sơ chế đậu xanh cũng khá tương tự với gạo nếp. Bạn cũng mang đậu xanh ngâm trong nước ấm. Vì ngâm trong nước ấm nên chỉ cần ngâm trong khoảng 2 – 3 tiếng là được.

Đậu xanh ngâm cho đến khi nở đều và mềm là được. Sau đó, bạn lấy đậu ra một chiếc rổ để cho ráo nước. Bạn có thể trộn đều với 1 thìa muối, nấu chín rồi lấy muỗng tán thật nhuyễn trộn đều với 1 muỗng cafe tiêu. Dùng tay nắm đậu thành hình tròn.

Thịt heo ba chỉ

Ướp thịt ba chỉ khoảng 2 tiếng trước khi gói để thịt thấm đều gia vị
Ướp thịt ba chỉ khoảng 2 tiếng trước khi gói để thịt thấm đều gia vị

Thịt sau khi mua về, bạn cắt miếng dày khoảng 3cm rồi rửa sạch và để cho ráo nước. Sau đó, bạn tiến hành ướp thịt với một ít hành tím, muối, tiêu và hạt nêm trong khoảng 2 tiếng để thịt thấm gia vị. Thịt chỉ ướp với muối, tiêu và hạt nêm chứ tuyệt đối không ướp với nước mắm để bánh bảo quản được lâu hơn.

Lạt tre

Lạt tre cũng cần ngâm nước trước khi gói
Lạt tre cũng cần ngâm nước trước khi gói

Bạn ngâm lạt tre trong nước khoảng 8 tiếng để sợi lạt mềm và dễ buộc hơn khi gói bánh. Nếu lạt tre bạn mua khá to thì sau khi ngâm bạn xé lạt thành các sợi nhỏ có chiều ngang khoảng 0.5 cm.

Công đoạn 2: Gói bánh chưng ngày Tết

Giới thiệu cách làm bánh chưng ngày Tết bằng tay không cần khuôn

Bước 1: Xếp lá

Trải lạt và lá dong
Trải lạt và lá dong

Dùng một chiếc mâm, đặt lạt xuống mâm theo hình chữ thập. Chọn hai chiếc lá to đặt chồng 1/2 theo chiều dọc lá, sao cho mặt lá không có gân lá hướng xuống dưới. Xếp tiếp hai chiếc lá khác lên trên theo hướng vuông góc, mặt lá không có gân quay lên trên.

Bước 2: Đổ gạo vào lá đã xếp

Đổ gạo vào phần tâm của lá
Đổ gạo vào phần tâm của lá

Đổ 1 bát gạo đầy vào tâm của hình chữ thập, dùng tay trải đều khắp 4 góc tạo hình vuông, sao cho mỗi cạnh dài khoảng 20 cm.

Bước 3: Rải các lớp nhân đậu và thịt

Rải nửa phần đậu xanh rồi nhấn nhẹ, lấy 2 miếng thịt xếp đều vào giữa bánh, úp nửa phần đậu xanh còn lại lên trên miếng thịt. Gạt đều đậu xanh sao cho nhân đậu xanh bao quanh được hết miếng thịt. Đổ thêm một bát gạo nếp lên nhân để gạo nếp phủ kín nhân.

Bước 4: Gấp lá

Gấp lá dong hai bên vào
Gấp lá dong hai bên vào

Dùng tay gấp lần lượt lá dong bên trái và bên phải vào, phần thừa gập vào bên trong, nếu thừa nhiều có thể dùng kéo cắt đi. Chú ý trong lúc gấp phải chắc tay thì chiếc bánh chưng mới đẹp mắt và vuông vắn. Tiếp theo, bóp hai bên mép phần đầu và cuối của bánh, vừa gấp vừa vỗ nhẹ để tạo hình khối vuông.

Bước 5: Buộc lạt

Buộc lạt để cố định bánh chưng
Buộc lạt để cố định bánh chưng

Buộc 2 cái lạt song song đầu tiên với nhau để giữ cho bánh chặt và không bị rớt ra. 2 lạt sau thì buộc vuông góc với 2 lạt trước.

Cách gói bánh chưng bằng khuôn

Bước 1: Xếp lá

Ảnh gói bánh chưng ngày tết
Ảnh gói bánh chưng ngày tết

Xếp 4 lá dong giống như xếp để gói bằng tay, 2 lá dưới úp mặt không có gân xuống, 2 lá trên ngửa mặt không có gân lên. Úp ngược khuôn trong lên chính giữa lá.

Bước 2: Đặt khuôn trong

Hình ảnh gói bánh chưng bằng khuôn
Gói bánh chưng bằng khuôn

Dùng lá dong gói chiếc khuôn lại như gói bánh chưng bằng tay ở trên. Bạn có thể xem chi tiết các bước thực hiện ở hình minh họa.

Bước 3: Đặt khuôn ngoài

Hình ảnh cách gói bánh chưng ngày Tết bằng khuôn
Cách gói bánh chưng ngày Tết bằng khuôn

Khi lá dong đã được gấp thành một hình vuông vức, dùng khuôn ngoài đặt bao quanh khuôn trong rồi mở lá và nhấc khuôn trong ra.

Bước 4: Cho nguyên liệu vào khuôn

Hình ảnh gói bánh chưng ngày Tết bằng khuôn
Gói bánh chưng ngày Tết bằng khuôn

Cho nguyên liệu lần lượt như thứ tự cho ở phần gói bánh chưng bằng tay ở trên vào phần khuôn lá đã được định hình. Bạn hãy cố gắng làm sao để lượng nếp và đậu xanh ở trên và dưới đồng đều nhau rồi gói lá lại thật gọn gàng, kín đều bánh theo các nếp gấp đã có.

Bước 5: Buộc lạt

Hình ảnh cách gói bánh chưng ngày Tết bằng khuôn
Cách gói bánh chưng ngày Tết bằng khuôn

Sau khi gói xong, dùng một tay giữ phần lá để cố định đồng thời nhẹ nhàng khuôn bánh ra. Sau đó, dùng 4 chiếc lạt buộc chặt bánh. Bạn nhớ cài phần lạt thừa vào các lớp lạt để chiếc bánh được gọn gàng.

Công đoạn 3: Nấu bánh chưng ngày Tết

Luộc bánh chưng là khâu quan trọng nhất vì luộc bánh chưng mất nhiều thời gian và công sức.

Bước 1: Xếp bánh vào nồi

Xếp bánh chưng vào nồi để chuẩn bị nấu
Xếp bánh chưng vào nồi để chuẩn bị nấu

Đặt bánh vào nồi lớn và đổ nước ngập bánh. Thời gian để luộc một chiếc bánh cỡ nhỏ là khoảng 5 tiếng, với chiếc bánh lớn thì sẽ cần nhiều thời gian hơn.

Bước 2: Nấu bánh và thay nước

Hình nấu bánh chưng ngày Tết
Hình nấu bánh chưng ngày Tết

Đun lửa to cho đến khi sôi thì giảm bớt. Bánh luôn phải ngập nước khi luộc nên bạn cần phải chuẩn bị sẵn nước cho nồi bánh chưng. Cứ 1 tiếng bạn kiểm tra mực nước trong nồi 1 lần. Nếu nước giảm thì tiếp nước vào.

Bước 3: Khi luộc bánh được nửa thời gian thì trở bánh lại, thay nước mới.

Bước 4: Vớt bánh

Sau khi bánh chín thì vớt ra rồi cho ngay vào nồi nước lạnh ngâm trong 20 phút. Sau đó để bánh ráo nước rồi dùng vật hơi nặng đè lên bánh để ép nước ra trong vòng 5 – 8 tiếng là được giúp bánh không bị nhão.

Mẹo giúp nấu bánh chưng có màu xanh và ngon

Hình ảnh bánh chưng ngày Tết có màu xanh và ngon
Hình ảnh bánh chưng ngày Tết có màu xanh và ngon

Để bánh chưng ngày Tết nấu xong có màu xanh và thơm ngon, bạn hãy thực hiện những mẹo nấu bánh sau:

  • Sau khi bánh đã gói xong và mang đi nấu, bạn cần xếp một lớp lá dưới đáy nồi giúp bánh chưng thêm hương vị, không bị dính và không bị cháy.
  • Khi xếp bánh vào nồi bạn cần xếp chồng lên nhau giúp cố định bánh trong quá trình nấu, tránh khi nước sôi làm bánh dao động làm bánh bị vỡ, không còn nguyên vẹn.
  • Điều chỉnh lửa vừa phải, liu riu trong quá trình nấu giúp bánh chưng ngon hơn, chính đều hơn. Thay nước lạnh khi nấu bánh được nửa thời gian để bánh giữ được màu xanh tự nhiên của lá, trông bắt mắt và ngon hơn.
  • Bạn không được đổ nước lạnh vào khi tiếp nước cho nồi bánh chưng, nước lạnh sẽ làm bánh nửa chín nửa sống, bị lại gạo sau này.

Bảo quản bánh chưng sau khi nấu để không bị ôi thiu

Vì bánh có nếp nên sẽ rất dễ bị hư, ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Sau đây là 2 cách để giúp giữ bánh thơm ngon lâu hơn:

  • Ép bánh bằng vật nặng để bánh mịn và không bị nhão. 
  • Treo bánh ở nơi thoáng mát để bánh được khô ráo hoàn toàn. 

Với 2 cách thì bánh chưng có thể bảo quản được từ 7 đến 10 ngày ở điều kiện bình thường. Bánh chưng ngày Tết khi được bảo quản ở điều kiện bình thường sẽ ngon hơn nhiều so với để vào tủ lạnh. Nhưng nếu bạn gói quá nhiều và không ăn hết thì cho bánh chưng vào tủ lạnh cũng là một cách bảo quản tốt. 

Những chia sẻ về cách gói bánh chưng ngày Tết, mẹo nấu bánh cũng như cách bảo quản bánh chưng đơn giản mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện tại nhà. Qua bài viết, tangquatet.vn giúp bạn thể hiểu hơn về nguồn gốc, ý nghĩa của bánh chưng để càng thêm trân trọng những nét đẹp trong văn hóa Việt Nam.